Câu chuyện được chia sẻ với hình ảnh người cha bế trên tay đứa con đầu lòng. 18 năm qua,ặpvợchồngUsinhconđầulòngsaunămchờđợidânmạngchúcmừnối mi người vợ 5 lần thai bị lưu, 2 lần chửa ngoài, trải qua sự đau đớn cùng cực về thể xác và tinh thần. Khoảnh khắc nâng niu đứa bé trên tay sau sự chờ đợi mòn mỏi khiến gia đình vỡ òa trong niềm hạnh phúc.
Cư dân mạng cũng mừng lây với ngày trọng đại nhất của cặp vợ chồng và ngưỡng mộ khát khao làm cha, làm mẹ của họ.
Vỡ òa…
Người mẹ trong câu chuyện trên là chị L.T.T.H (45 tuổi, quê Ninh Bình). Chia sẻ với Thanh Niênvào sáng 9.12, chị H. cho biết, bản thân vui mừng vì sức khỏe hai mẹ con đều ổn định, bé gái nặng 2,8 kg.
Nhớ lại thời điểm vào BV Phụ sản Hà Nội để sinh con, chị H. không khỏi hồi hộp, lo lắng. Khi nghe con cất tiếng khóc chào đời, những giọt nước mắt hạnh phúc của chị lăn dài trên má.
"Tôi khóc vì con được chào đời khỏe mạnh, bình an. Tôi khóc cho hành trình tìm con suốt 18 năm qua với bao khó khăn, vất vả không nói nên lời", chị xúc động.
Trước đó, người phụ nữ đã uống các loại thuốc đông y, tây y đi khắp các bệnh viện, cơ sở hiếm muộn nhưng không ít lần phải thất vọng. Họ đã nhiều lần thực hiện phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF. Năm ngoái, khi chồng tiếp tục rủ đến BV thực hiện phương pháp này chị đã có ý định buông xuôi. Chị sợ tốn thời gian, tiền bạc mà không có kết quả. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình chị quyết định đi lần cuối cho toại nguyện.
"May mắn tin vui đã đến với gia đình sau lần thụ tinh ống nghiệm đó. Tuy nhiên, khi tôi đi BV khám được biết bản thân bị tiểu đường nên thời gian mang thai cũng vất vả, không dám đi lại vì sợ ảnh hưởng đến con. Tôi bị nghén từ lúc mang thai đến lúc sinh nên không ăn uống được nhiều. Tôi không tăng cân nhưng may mắn em bé phát triển bình thường", người mẹ chia sẻ.
"Đừng nản chí!"
Chị H. không ít lần tự đặt câu hỏi vì sao việc tìm kiếm một đứa con cho vợ chồng lại khó khăn đến vậy. Vừa nghĩ chị vừa khóc vì không có lối thoát cho sự trăn trở này. Chi phí thực hiện phương pháp IVF từ 170 triệu – 270 triệu tùy từng thời điểm. Thời gian mỗi lần thực hiện kéo dài 3 - 6 tháng.
Vợ chồng chị kết hôn vào năm 2005. Những năm đầu, chị vô cùng áp lực trong việc có con đầu lòng. Những người xung quanh cứ bàn ra tán vào về chuyện vợ chồng sống với nhau mấy năm nhưng không có con. Dù vậy, anh luôn cạnh bên chăm sóc và động viên chị.
"Mỗi lần có thai tôi đều bị lưu hoặc chửa ngoài nên việc có con không thành. Tôi đã nhiều lần muốn buông xuôi để giải thoát cho chồng. Tôi nói với anh ấy không đi tìm con nữa để cho anh kiếm vợ khác nhưng anh gạt phăng ý định đó. Tôi cứ nghĩ duyên số của vợ chồng chỉ có được như vậy không thể có con nhưng anh bảo dù thế nào đi chăng nữa vợ chồng vẫn luôn có nhau", chị H. tâm tình.
Chị cũng chứng kiến nhiều câu chuyện của các cặp vợ chồng trong hành trình tìm niềm hạnh phúc. Có những người mất 3 – 4 năm, có người hơn chục năm. Họ gặp nhau, động viên chia sẻ nhiều điều tích cực để có thêm tinh thần. Vợ chồng chị là một trong những trường hợp tìm con lâu nhất.
"Việc vợ chồng tôi có được đứa con đầu lòng như phép màu nên tôi mong những ai giống hoàn cảnh tôi lúc trước đừng nản chí. Tôi hy vọng em bé sẽ đến với tất cả mọi người", người phụ nữ cho hay.
BS Bùi Chí Dũng, Khoa Phụ ngoại A5, BV Phụ sản Hà Nội, chia sẻ khi chị H. mang thai khoảng 19 – 20 tuần đến BV và được BS chẩn đoán mắc thêm tiểu đường thai kỳ. Chị H. là một trong những trường hợp đặc biệt nên anh phải cố gắng hết sức với mong muốn mẹ tròn con vuông.
"Tôi quan sát tình hình sức khỏe của hai mẹ con và không khỏi lo lắng đến tình trạng đẻ non vì chị đã lớn tuổi. Tôi theo dõi kỹ cổ tử cung, âm đạo và sức khỏe của thai nhi và tình hình sức khỏe của bệnh nhân để phối hợp với Khoa Nội tiết để tránh những biến chứng cho cả mẹ lẫn con. Tôi rùng mình với câu chuyện của họ nên cố gắng hết sức để mang đến niềm vui cho gia đình", BS Dũng nói.